Ngày 12-9 (giờ Mỹ), Google hầu tòa tại tòa án liên bang ở Washington, D.C. trong một vụ án mà phía chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn này đã vi phạm luật chống độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Theo hãng tin AP, phiên tòa được cho là sẽ mở ra cuộc chiến pháp lý chống độc quyền lớn nhất nước Mỹ kể từ khi chính phủ liên bang nhắm vào Công ty phần mềm Microsoft hồi những năm 1990 của thế kỷ trước.
Phiên tòa dự kiến kéo dài gần 10 tuần và xem xét kỹ lưỡng không chỉ cách thức Google tiến hành kinh doanh mà còn cả mối quan hệ của nó với các công ty lớn khác, chẳng hạn như Apple và Samsung, vốn phần lớn được giữ bí mật.
Cáo buộc Google cạnh tranh không lành mạnh
Vụ kiện độc quyền Google bắt đầu từ thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump và kéo dài cho đến tận nay. Trong các đơn kiện riêng biệt hồi năm 2020, Bộ Tư pháp và hàng chục tiểu bang ở Mỹ đã cáo buộc Google lạm dụng sự thống trị của họ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến để kìm hãm cạnh tranh, bằng cách thỏa thuận với các nhà mạng viễn thông và nhà sản xuất điện thoại thông minh nhằm đưa “Google Tìm kiếm” (Google Search) trở thành tùy chọn mặc định hoặc độc quyền trên các thiết bị điện tử thông minh. Các đơn kiện sau đó được gộp chung thành một vụ kiện duy nhất, theo đài CNN.
Các chuyên gia pháp lý chỉ ra với vụ Google lần này, chính phủ Mỹ có thể phải gặp khó khăn vì nếu muốn thắng thế thì Bộ Tư pháp bắt buộc phải chứng minh các hợp đồng của Google đã loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên thị trường và gây tổn hại đến người tiêu dùng, theo tờ Financial Times.
Theo đơn kiện ban đầu, chính phủ Mỹ cáo buộc rằng phía Google trả hàng tỉ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất thiết bị bao gồm Apple, LG, Motorola và Samsung và các nhà phát triển trình duyệt như Mozilla và Opera để đưa công cụ tìm kiếm của Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định và trong nhiều trường hợp còn cản trở các tập đoàn trên giao dịch với các đối thủ cạnh tranh của Google.
“Google sở hữu hoặc kiểm soát một cách hiệu quả các kênh phân phối tìm kiếm, chiếm khoảng 80% số lượt tìm kiếm chung ở Mỹ” - theo đơn kiện.
Đơn kiện cũng cáo buộc rằng các thỏa thuận về hệ điều hành Android của Google với các nhà sản xuất thiết bị là phản cạnh tranh, vì chúng yêu cầu các công ty điện thoại thông minh phải cài đặt sẵn các ứng dụng do Google sở hữu, chẳng hạn như Gmail, Chrome hoặc Google Maps.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thêm Google đã hành xử tương tự Microsoft vào những năm 1990, khi gã khổng lồ phần mềm đặt trình duyệt web của riêng mình làm mặc định trên hệ điều hành Windows, đè bẹp các đối thủ cạnh tranh.
Kết quả vụ kiện Microsoft khi đó là công ty này phải chia sẻ giao diện lập trình ứng dụng với các công ty khác và đồng thời bị chính phủ giám sát trong năm năm để đảm bảo Microsoft tuân thủ phán quyết. Bill Gates, người sáng lập Microsoft, đã đổ lỗi cho dư âm của vụ kiện chống độc quyền là nguyên nhân khiến công ty chậm thâm nhập vào thị trường công nghệ di động và gây ra thất bại của điện thoại Windows Phone.
Nhóm hàng chục tiểu bang và các vùng Guam, Puerto Rico và District of Columbia cũng đệ đơn kiện vào năm 2020 cáo buộc Google lạm dụng độc quyền tìm kiếm và quảng cáo để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh một cách bất hợp pháp.
Logo Google tại tòa nhà văn phòng mới của công ty ở New York. Ảnh: AP
Google nói gì?
Hiện “gã khổng lồ” này vẫn chưa bình luận thêm về phiên tòa. Tuy nhiên, trước đó phía Google luôn khẳng định họ cạnh tranh đúng quy định và việc người tiêu dùng thích các công cụ tìm kiếm của họ hơn vì đó là các công cụ tốt nhất chứ không phải vì họ cạnh tranh một cách bất hợp pháp. Theo CNN, chỉ riêng mảng tìm kiếm đã chiếm hơn một nửa trong số 283 tỉ USD tổng doanh thu và 76 tỉ USD thu nhập ròng mà Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) đạt được trong năm 2022.
Theo tờ The New York Times, Google cho biết các thỏa thuận của họ với Apple và các hãng khác không phải là độc quyền và người tiêu dùng có thể thay đổi cài đặt mặc định trên thiết bị công nghệ để chọn các công cụ tìm kiếm thay thế. Các thỏa thuận này là mấu chốt trong nỗ lực của Google để có thể dễ dàng tiếp cận đối tượng lớn. Theo Công ty phân tích dữ liệu Sameweb, Google chiếm khoảng 94% lượt truy cập từ các công cụ tìm kiếm trên thiết bị di động.
Hồi tháng trước, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google - ông Kent Walker cho biết chiến thuật của công ty là “hoàn toàn hợp pháp” và thành công của Google “phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm”.
“Luật pháp của Mỹ nên đề cao lợi ích cho người tiêu dùng. Nếu chúng ta loại bỏ điều đó và gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ tuyệt vời cho người tiêu dùng, điều đó sẽ có hại cho tất cả mọi người” - ông này nói thêm.
Tại phiên tòa sắp tới, cả hai bên (gồm chính phủ Mỹ và đại diện phía Google) sẽ tranh luận về việc liệu các thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD của công ty có phản cạnh tranh hay không. Điều này có thể gây ra hậu quả đáng kể cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google.
“Phiên tòa xét xử Google sẽ có tác động to lớn đối với nền công nghiệp kỹ thuật số của Mỹ, khi mà kết quả của phiên tòa này sẽ quyết định cách hàng triệu người Mỹ truy cập và sử dụng Internet” - tờ The Guardian dẫn lời bà Katherine Van Dyck, cố vấn cấp cao của dự án Tự do kinh tế Mỹ.
Ở một khía cạnh khác, bà Rebecca Allensworth - GS trường luật thuộc ĐH Vanderbilt (Mỹ) cho rằng phiên tòa xét xử Google sẽ cho thấy liệu luật chống độc quyền được viết vào năm 1890 có còn hiệu quả trong nền kinh tế ngày nay hay không. Bà nhấn mạnh phiên tòa xét xử Google là “một phép thử lớn đối với toàn bộ chương trình nghị sự chống độc quyền của chính quyền Washington”.•
Nguồn Pháp luật