"Các thành viên Nghị viện châu Âu kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) xem xét phát lệnh bắt đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, tương tự như với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova", thông cáo báo chí của Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu (AFET) ngày 18/7 cho hay.
AFET cùng ngày thông qua báo cáo về tình hình ở Belarus, trong đó cho rằng Belarus phải chịu trách nhiệm về "những thiệt hại và tội ác đã gây ra ở Ukraine", gồm cả vai trò của nước này trong việc sơ tán trẻ em bất hợp pháp từ khu vực chiến sự.
Giới chức Belarus chưa bình luận về thông tin.
ICC, trụ sở ở The Hague, Hà Lan, ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa.
Belarus không phải thành viên Quy chế Rome trong khi Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin đầu tháng 7 cho biết Moskva "những năm gần đây" đã đưa khoảng 700.000 trẻ em từ những vùng xung đột ở Ukraine vào lãnh thổ Nga. Động thái nhằm bảo vệ trẻ mồ côi, bị bỏ rơi trong vùng xung đột và Nga sẽ đưa các em trở về Ukraine khi đủ điều kiện an toàn.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Moskva, Nga ngày 25/5. Ảnh: AFP
Báo cáo của AFET còn lưu ý rằng sự phụ thuộc lớn về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa của Belarus vào Nga khiến nước này trở thành "quốc gia vệ tinh sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật theo sự chỉ huy của Moskva".
Belarus có quan hệ chặt chẽ với Nga và từng cho Moskva sử dụng lãnh thổ để tiến quân vào Ukraine. Tổng thống Lukashenko hôm 13/6 thông báo Belarus đã bắt đầu tiếp nhận đầu đạn hạt nhân chiến thuật từ Nga. Tổng thống Putin xác nhận, nói họ dự kiến "hoàn tất kế hoạch trước mùa thu hoặc cuối năm nay".
Kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus đã được Tổng thống Putin thông báo từ tháng 3. Lãnh đạo Nga khi đó lập luận rằng thỏa thuận giữa hai nước là động thái hợp lý, vì Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia châu Âu suốt nhiều thập kỷ. Belarus nói họ để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến lãnh thổ nhằm răn đe chiến lược, ngăn phương Tây vượt "lằn ranh đỏ".
Nguồn Vnexpress