Có mặt tại sân pháp đình từ sớm, chị Ng. (39 tuổi) và anh L. (41 tuổi) bước đi thất thểu, vẻ mặt u buồn. Họ là thân nhân của bị cáo lẫn bị hại trong vụ án giết người mà TAND TP HCM vừa đưa ra xét xử.
Ma túy và nước mắt
Nạn nhân trong vụ án là cha mẹ của họ. Phán quyết của HĐXX đã tuyên phạt bị cáo V.P.P.H (30 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM) với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Bị cáo H. sử dụng ma túy từ năm 16 tuổi. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và thành phố bị phong tỏa, H. rơi vào những ngày tháng "vã thuốc", thường xuyên có những biểu hiện bất thường, đau đầu, mất ngủ. Thương con, bà Nh. (mẹ ruột của H.) đã tìm mua các loại thuốc chữa bệnh với hy vọng tình hình sức khỏe của con được cải thiện phần nào.
H. khai khoảng thời gian ấy trong đầu thường hiện hữu một tiếng nói vô hình ngăn cản H. uống thuốc mà mẹ đưa vì đó là thuốc độc. Tiếng nói ấy đã xúi giục bị cáo giết cha mẹ.
Một đêm tháng 8-2021, thấy mẹ đang nằm, H. lấy dao đâm liên tiếp vào người bà. Cha H. phát hiện sự việc xông vào can ngăn cũng bị H. đâm hàng chục nhát khiến ông tử vong tại chỗ. Quay sang thấy chị ruột, H. dọa đâm khiến chị hoảng sợ chạy trốn ra ngoài, tri hô cho người xung quanh biết. Quá trình điều tra, H. có dấu hiệu bất thường nên Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tiến hành giám định tâm thần đối với bị cáo. Kết luận giám định pháp y tâm thần xác định trước, trong và sau khi thực hiện hành vi giết người, H. bị loạn thần do sử dụng nhiều loại ma túy, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Gần 3 năm trôi qua, gặp em trai tại tòa, anh L. và chị Ng. nước mắt lưng tròng. Họ chỉ biết cầu mong HĐXX xem xét cho H. được thoát án tử.
"Làm con đâu ai giết cha mẹ!"
Trò chuyện riêng với chúng tôi, chị Ng. cho hay sau khi vụ việc xảy ra vào đêm định mệnh, cả gia đình vừa gánh chịu nỗi đau mất người thân vừa lo chuyện cơm áo hằng ngày nên trong thời gian H. bị tạm giam, họ chưa một lần đến thăm em.
"Chúng tôi ngày nào đi làm thì ngày đó mới có ăn, nghỉ thì phải nhịn đói. Tôi phụ buôn bán ngoài chợ, sáng 3-4 giờ đã phải đi đến tối mịt. Tôi còn con nhỏ đang đi học. Anh của H. cũng có gia đình riêng và cũng phải lăn lộn kiếm sống. Cho nên không ai có thời gian đi thăm nó. Thương H., chúng tôi chỉ biết làm đủ mọi phương cách, kể cả giấy bãi nại để giúp em được giảm án" - chị Ng. nói với giọng nao nao buồn.
Bao năm qua, nhắc lại sự việc đau thương, chị Ng. vẫn bị ám ảnh như nó mới diễn ra hôm qua. Chị khóc nghẹn nói phải chi người đứng trước tòa hôm nay không phải là em ruột của mình. "Nó không tỉnh táo, nó có bệnh nên mới vậy, chứ làm con ai mà giết cha mẹ mình được? Mong HĐXX cho nó được giảm nhẹ hình phạt, cha mẹ mất, gia đình chỉ còn 3 anh chị em. Mẹ tôi thương nó lắm…" - chị Ng. nức nở.
Đại diện VKSND trầm ngâm, tháo chiếc kính cầm trên tay, hỏi H.: "Bị cáo với cha mẹ mình không có mâu thuẫn. Họ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng, vì sao bị cáo lại giết họ?". Bị cáo H. trả lời: "Bị cáo không biết. Do tiếng nói trong đầu xúi bị cáo giết người". Cả phòng xử lặng đi.
Nghe VKSND TP HCM đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo, anh L. và chị Ng. bật khóc thành tiếng. H. ngồi thẫn thờ, ngoái nhìn về phía anh chị mình với ánh mắt ân hận.
Nói lời sau cùng, bị cáo xin HĐXX xem xét: "Từ ngày cha mẹ mất, bị cáo ăn năn hối lỗi. Bị cáo mong được có cơ hội để có thể quay về nhà, đốt một nén nhang trên bàn thờ cha mẹ".
Xem xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, HĐXX tuyên phạt án tử hình bởi hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo, đặc biệt đó lại là chính cha mẹ của bị cáo. Nghe đến đây, anh chị của bị cáo ngã người ra ghế, khóc nức nở. Chị Ng. than lên thành tiếng: "Ba má ơi…!".
Phiên tòa kết thúc, chị Ng. và anh L. lặng lẽ ra về, xe chở phạm nhân cũng khuất bóng giữa dòng người. Công lý được thực thi. Duy chỉ nước mắt, giọng nói nghẹn ngào cùng nỗi đớn đau của bị cáo và gia đình vẫn còn đó.
Nguồn: Người Lao Động