Banner
TÌM KIẾM

Đề nghị TP.HCM thống nhất hướng đi đường sắt tốc độ cao

18/08/2023 11:05
Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM thống nhất hướng đi của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa phận TP.

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn đi qua địa phận TP này. Đây là thủ tục quan trọng làm cơ sở báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước (TĐNN) quyết định hướng tuyến dự án.

Ga Thủ Thiêm sẽ là ga đầu mối

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ GTVT trình Hội đồng TĐNN (được liên danh tư vấn do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI đứng đầu lập), đề xuất hướng tuyến dự án qua khu vực TP.HCM được xác định, sau khi vượt sông Đồng Nai về phía hạ lưu cầu Long Khánh của tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến đi vào địa phận TP.HCM. Tuyến đi song song và chung hành lang về phía nam đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trên địa phận TP.HCM, tuyến giao cắt với nút giao đường vành đai 3, Nguyễn Duy Trinh, vành đai 2, Đỗ Xuân Hợp và nút giao An Phú về ga Thủ Thiêm.

Ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức và có diện tích khoảng 17,2 ha và là ga đầu mối phía nam của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vị trí ga tại TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao và các hệ thống giao thông của khu đô thị mới Thủ Thiêm và của TP.HCM. Khu vực quảng trường ga Thủ Thiêm là không gian xây dựng các điểm dừng xe buýt, bãi đỗ taxi, ga của tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2), kết nối quảng trường ga với trục Đông - Tây vào trung tâm TP.HCM qua hầm Thủ Thiêm; đồng thời khu vực xung quanh quảng trường ga được quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo liên danh tư vấn, đề xuất trên đảm bảo kết nối hướng tuyến các địa phương liền kề (Đồng Nai ở phía bắc); đáp ứng các tiêu chí chiều dài tuyến ngắn, hạn chế ảnh hưởng tới các công trình hiện hữu, bám sát để đi về vị trí ga được lựa chọn theo yêu cầu của địa phương.

Khu depot được quy hoạch tại phường Long Trường, TP Thủ Đức cho tuyến đường sắt TP.HCM - Nha Trang. Vị trí depot được quy hoạch nằm gần nút giao đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây và đường vành đai 3.

duongsat

Hướng đi của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa phận TP.HCM. Đồ họa: THÙY TRANG

Đề xuất chuyển khu depot Long Trường về Long Thành

Dựa theo báo cáo trên của Bộ GTVT, Hội đồng TĐNN tiến hành thuê tư vấn thẩm tra để thẩm tra dự án. Trong quá trình này, tư vấn thẩm tra đề xuất hướng tuyến khác với tờ trình trên của Bộ GTVT. Cụ thể, sau khi vượt hai nhánh sông Soài Rạp và vượt cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi song song chung hành lang về phía bắc với đường bộ cao tốc này.

Tư vấn thẩm tra cũng kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến theo tim tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để lồng ghép dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đi Long Thành trở thành tuyến đường sắt liên vùng Thủ Thiêm - Nha Trang. Sau đó tuyến đi chung hành lang đường sắt tốc độ cao đoạn Thủ Thiêm đi Long Thành và cầu vượt sông Đồng Nai tích hợp cầu hai tầng đi chung đường bộ và đường sắt.

Trên địa phận TP.HCM, tư vấn đề xuất một nhà ga Thủ Thiêm tại vị trí theo quy hoạch địa phương và kiến nghị chuyển vị trí khu depot Long Trường về khu vực Long Thành để có thể sử dụng chung hạ tầng depot cho tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Phản hồi lại kết quả thẩm tra này, liên danh tư vấn do TEDI đứng đầu cho rằng hướng tuyến do tư vấn thẩm tra đề xuất như trên có hạn chế. Cụ thể ảnh hưởng đến các quy hoạch của địa phương, công trình hiện hữu, khu dân cư… Song song đó, hướng này sẽ giao cắt với đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do hướng tuyến chưa được nghiên cứu chi tiết đi chung lồng ghép với hành lang của tuyến đường bộ cao tốc.

Đối với việc sử dụng chung depot với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, liên danh tư vấn cho rằng việc này là “không thực hiện được” do khu vực Long Thành chỉ có depot của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Thêm vào đó, hiện ga Thủ Thiêm không đủ quỹ đất để bố trí nhà ga đầu mối và bãi đỗ tàu, do đó khu vực đỗ tàu phải được sử dụng trong các depot.•

Nguồn Pháp luật

Tin liên quan