Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: Reuters)
Ông Stoltenberg sẽ thôi vị trí người đứng đầu liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt vào tháng 10 năm nay. Ông Rutte sẽ nhậm chức vào thời điểm quan trọng, gánh vác trọng trách duy trì sự ủng hộ của các thành viên NATO dành cho Ukraine trong nỗ lực chống lại Nga, đồng thời ngăn chặn nguy cơ leo thang có thể kéo liên minh này vào một cuộc chiến trực diện với Mátxcơva.
Ngày 22/2, một quan chức Mỹ cho biết: “Tổng thống Biden ủng hộ mạnh mẽ Thủ tướng Rutte ứng cử làm tổng thư ký tiếp theo của NATO”.
"Thủ tướng Rutte hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của liên minh, là một nhà lãnh đạo có tài giao tiếp bẩm sinh. Vai trò lãnh đạo của ông ấy sẽ phục vụ tốt cho liên minh vào thời điểm quan trọng này", vị quan chức nói.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, nhà lãnh đạo kế nhiệm của NATO có thể phải làm việc với ông Donald Trump, người vừa đưa ra phát biểu gây thất vọng cho châu Âu về việc bảo vệ các đồng minh nếu ông tái đắc cử.
Thủ tướng Rutte, 57 tuổi, có quan hệ tốt với nhiều lãnh đạo Anh và Mỹ, bao gồm ông Trump, trong suốt nhiệm kỳ dài của ông.
“Chúng ta phải làm việc với bất kỳ ai lên lãnh đạo”, ông Rutte phát biểu cuối tuần trước, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo châu Âu “ngưng rên rỉ, than vãn và cằn nhằn” về ông Trump, thay vào đó hãy tập trung vào những gì họ có thể làm cho Ukraine.
Trong phát biểu ủng hộ ông Rutte, Bộ Ngoại giao Anh khẳng định ông là một nhà lãnh đạo được kính trọng trên khắp NATO, là người sẽ đảm bảo tổ chức này vẫn mạnh mẽ và sẵn sàng cho mọi nhu cầu tự vệ.
Một quan chức cấp cao của Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron sớm ủng hộ việc đưa người Hà Lan vào vai trò này.
Một nguồn tin chính phủ liên minh Đức cho biết, Berlin dự kiến cũng sẽ ủng hộ Rutte. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này chưa có quan điểm nào.
Lãnh đạo NATO được bổ nhiệm dựa trên nguyên tắc đồng thuận, vì thế đòi hỏi sự ủng hộ, hoặc ít nhất là không phản đối, từ tất cả 31 thành viên.
Hai nhà ngoại giao tiết lộ rằng ông Rutte được khoảng 20 thành viên NATO ủng hộ, nhưng vẫn còn khả năng không đạt được đồng thuận và ứng cử viên khác có thể xuất hiện.
Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có thể phản đối, nhưng hai nước chưa đưa ra quan điểm của họ.
Dưới sự lãnh đạo của ông Rutte, chi tiêu quốc phòng của Hà Lan bị cắt giảm trong những năm thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Hà Lan tăng chi tiêu lên khoảng 2% GDP. Ông Rutte từ lâu đã là người chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tháng 7 năm ngoái, ông Rutte bất ngờ tuyên bố rời khỏi chính trường Hà Lan, nhưng vẫn giữ vai trò lãnh đạo tạm quyền trong khi quá trình đàm phán liên minh tiếp tục sau cuộc bầu cử ngày 22/11.
Cựu Thủ tướng Na Uy Stoltenberg giữ chức tổng thư ký NATO từ năm 2014.
Nguồn Tiền Phong