Banner
TÌM KIẾM

Nóng Nga-Ukraine 19-7: Nga liên tiếp trả đũa vụ cầu Crimea, ‘dương đông kích tây’ ở Donetsk

19/07/2023 10:56
Ukraine nói Nga “dương đông kích tây” ở TP Kupiansk ( tỉnh Donetsk) để Kiev phân tán lực lượng; Nga không kích đêm thứ hai liên tiếp trả đũa vụ cầu Crimea bị tấn công; Nga bắn hạ 43 UAV Ukraine trong 1 ngày.

Ngày 18-7, chiến sự vẫn tiếp tục căng thẳng khi Nga, Ukraine giao tranh ở nhiều khu vực tại tỉnh Donetsk và Moscow tiếp tục trả đũa Ukraine vụ cầu Crimea bị tấn công.

Nga dùng chiến thuật “dương đông kích tây” ở Kupiansk

Tờ Kyiv Independent dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine rằng trong ngày 18-7 nổ ra tới 18 cuộc giao tranh. Trong đó Nga vẫn tập trung đánh vào các hướng Kupyansk (tỉnh Kharkiv), Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka (đều ở tỉnh Donetsk, thuộc vùng Donbass, đông Ukraine).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine - bà Hanna Maliar cho biết cuộc tấn công của Nga theo hướng Lyman - Kupiansk không thu được kết quả nào: “Các trận chiến vẫn tiếp diễn, nhưng thế chủ động đã nghiêng về phía chúng tôi”.

Theo bà Maliar, sở dĩ Nga tích cực tấn công ở hướng Kupiansk là để đáp trả việc Ukraine tấn công ở hướng Bakhmut, và Nga đã dùng chiến thuật này trước đây.

Bà Maliar đưa ra ví dụ, ở phía đông, kể từ đầu năm nay, Nga đã cố gắng tiến công trên 4 hướng chính là Mariinka, Avdiivka, Liman và Bakhmut. Cùng lúc đó đối phương cũng thường xuyên tăng cường hành động ở các hướng khác là Shakhtarsk và Kupiansk. Chủ ý của Nga nhằm buộc Ukriane phải dàn trải lực lượng, không cho phép Ukraine tập trung tại địa bàn Ukraine đang muốn tấn công.

ngaukraine

Lính Ukraine chiến đấu tại TP Bakhmut vào ngày 13-7. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào ngày 17-7, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh miền đông Ukraine - ông Serhii Cherevatyi cho biết Nga đang tập trung hơn 100.000 lính, 900 xe tăng, 555 hệ thống pháo binh, 370 hệ thống pháo phản lực bắn loạt theo hướng Lyman-Kupiansk.

Bên cạnh đó, bà Maliar cũng cho biết quân Ukraine đang tiến vào sườn phía nam của Bakhmut, về hướng TP Berdiansk và TP Melitopol (đều ở tỉnh Zaporizhia).

Liên quan đến việc Ukraine phản công chậm, bà Maliar giải thích rằng lực lượng nước này phải di chuyển trong điều kiện cực kỳ khó khăn và quân Nga đang nỗ lực ngăn chặn bước tiến của Ukraine.

Nga hạ 43 UAV Ukraine trong ngày

Ngày 18-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết lực lượng phòng không Nga đã phá hủy 43 máy bay không người lái (UAV) và đánh chặn 3 hỏa tiễn từ hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS của Ukraine trong ngày 18-7, theo hãng thông tấn TASS.

Ukraine nói Nga không đạt được thành công nào ở hướng Kupiansk nhưng ông Konashenkov nói rằng Nga đã có những trận đánh thành công ở khu vực này trong ngày 17-7.

Cụ thể, Nga tiến sâu vào 1,5 km sau chiến tuyến Ukraine và loại bỏ 65 lính Ukraine, phá hủy 2 phương tiện chiến đấu bọc thép, 3 phương tiện cơ giới và 1 trạm radar phản pháo AN/TPQ-50.

Nga tiếp tục trả đũa vụ cầu Crimea bị tấn công

Thị trưởng TP Odessa - ông Oleh Kiper cho biết hệ thống phòng không Ukraine đã được kích hoạt vào rạng sáng 19-7 để chặn cuộc không kích của Nga nhằm vào TP cảng này, theo hãng tin Reuters.

Theo ông Kiper, đây là đêm thứ hai liên tiếp Nga không kích vào TP này để trả đũa vụ cầu Crimea bị tấn công vào ngày 17-7 khiến 2 người chết, 1 trẻ em bị thương.

Theo Reuters, toàn bộ khu vực phía đông của Ukraine đã được đặt trong tình trạng báo động không kích vào đêm, rạng sáng 19-7.

ngaukraine

Một phần của tên lửa hành trình Kalibr Nga bên trong một tòa nhà bị hư hại sau cuộc không kích trả đũa ngày 18-7 tại TP Odessa. Ảnh: REUTERS

Trước đó, ngày 18-7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã không kích vào một số cơ sở hạ tầng mà nước này cho là được Ukraine sử dụng để chuẩn bị “tấn công khủng bố” cầu Crimea, đài RT đưa tin.

Bộ Quốc phòng thông báo rằng Nga đã mở một cuộc tấn công trả đũa vào rạng sáng 18-7 nhằm vào các cơ sở liên quan đến các phương tiện không người lái di chuyển trên mặt nước cũng như xưởng đóng tàu ở TP Odessa (tỉnh Odessa) - nơi sản xuất những phương tiện này, bằng vũ khí phóng từ trên biển có độ chính xác cao.

Ngoài ra, Nga cũng tấn công các kho nhiên liệu ở TP Odessa và TP Mykolaiv (tỉnh Mykolaiv). Các kho này chứa khoảng 70.000 tấn nhiên liệu cung cấp cho quân đội Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng nước này đã phá hủy thành công tất cả mục tiêu được đề ra.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang tăng cường an ninh để bảo vệ cầu Crimea và để trả đũa cuộc tấn công UAV từ Ukraine, theo TASS.

Dù Nga cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea nhưng Kiev không nhận trách nhiệm và cho rằng chính Moscow gây ra vụ việc này.

UAV Nga dùng trong vụ trả đũa có bộ phận phương Tây

Về việc chống lại cuộc không kích trả đũa vụ cầu Crimea của Nga, lực lượng Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ tất cả 6 tên lửa hành trình Kalibr nhắm vào TP Odessa, theo Ukrinform.

Lực lượng này cũng bắn hạ 31/36 UAV và bắn hạ 1 UAV trinh sát do Nga phóng trong đêm từ phía nam. Có 4 trong số các UAV này bị bắn hạ ở tỉnh Mykolaiv, theo Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam.

Ngày 18-7, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andrii Yermak cho biết 1 trong 4 UAV bị bắn hạ ở tỉnh Mykolaiv khi Nga trả đũa vụ cầu Crimea bị tấn công được chế tạo bằng các bộ phận từ các nước phương Tây và châu Á, theo Kyiv Independent.

Trên Telegram, ông Yermak đăng tải hình ảnh động cơ chiếc UAV Shahed do Iran sản xuất với dòng chữ "Made in Ireland" được in trên bình xăng con.

Ông nói thêm rằng Nga thường xóa số sê-ri trong các bộ phận nước ngoài và cũng minh họa bằng hình ảnh sê-ri các bộ phận của UAV nói trên bị xóa.

ngaukraine

Cầu Crimea bị hư hại vì bị tấn công ngày 17-7. Ảnh: REUTERS

Theo ông Yermak, việc UAV Shahed chứa các bộ phận được sản xuất từ các nước phương Tây và châu Á có nghĩa các biện pháp trừng phạt chưa đủ chặt chẽ. Theo ông, các công ty sản xuất chắc chắn cũng sẽ không thể chấp nhận việc linh kiện của họ có mặt trong các vũ khí sát thương nhằm vào dân thường.

Nam Phi: Bắt ông Putin là tuyên chiến với Nga

Ngày 18-7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cảnh báo rằng việc thi hành lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi nhà lãnh đạo Nga dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng tới tại thủ đô Johannesburg sẽ giống như một lời tuyên chiến với Moscow, đài RT đưa tin.

“Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của họ sẽ là một lời tuyên chiến. Sẽ trái với hiến pháp của chúng ta nếu mạo hiểm tham chiến với Nga” - ông Ramaphosa giải thích, nói thêm rằng nếu bắt ông Putin thì ông sẽ thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ Nam Phi,

Ông Ramaphosa nhấn mạnh rằng Nam Phi đang cố gắng tìm cách miễn trừ nghĩa vụ theo lệnh của ICC vì việc bắt giữ ông Putin có thể đe dọa đến an ninh, hòa bình và trật tự của nước này.

Trước đó, Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile đã bày tỏ mong muốn rằng Tổng thống Putin không nên tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới.

Tòa ICC đã ra lệnh bắt ông Putin với cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh khi bắt buộc trẻ em ở các vùng Ukraine bị Nga chiếm đóng di chuyển sang Nga.

Nam Phi là thành viên của tòa ICC nên sẽ phải tuân thủ lệnh bắt này và cũng là nước chủ nhà tổ chức hội nghị BRICS - nhóm gồm 5 nền kinh tế mới nổi (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng tới.

Nga nói sẽ quay lại thỏa thuận ngũ cốc nếu…

Ngày 18-7, Đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Gatilov nói rằng Nga sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen nếu các yêu cầu của Moscow được các đối tác quốc tế đáp ứng, theo đài CNN.

Trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters, ông Gatilov cáo buộc thỏa thuận đi chệch khỏi mục đích nhân đạo được đề ra và không đạt được bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào do phương Tây phá rối.

“Họ (phương Tây) tiếp tục gia tăng áp lực trừng phạt đối với đất nước chúng tôi, hạn chế xuất khẩu nông sản của Nga bằng cách chặn hoàn toàn các giao dịch ngân hàng, bảo hiểm, hậu cần, tài sản nước ngoài và nguồn cung cấp phụ tùng” - ông Gatilov nói.

Ông Gatilov nói rằng dù Liên Hợp Quốc đã thúc giục chính phủ, doanh nghiệp phương Tây thực hiện thỏa thuận ngũ cốc này nhưng phương Tây đã không làm như vậy.

Ông Gatilov còn cáo buộc Ukraine đã nhiều lần sử dụng tuyến đường nhân đạo trên Biển Đen để khiêu khích và tấn công các tàu dân sự và quân sự cũng như cơ sở hạ tầng Nga.

Cũng trong ngày 18-7, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc sẽ dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng hơn trên thế giới.

"Năm ngoái, nhờ Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen, chúng tôi đã ngăn chặn được cuộc khủng hoảng giá cả trên thị trường lương thực toàn cầu. Giá cả bùng nổ chắc chắn sẽ kéo theo các cuộc khủng hoảng chính trị và di cư, đặc biệt là ở các nước châu Phi và châu Á" - ông Zelensky nói.

Nguồn Pháp luật

Tin liên quan