Banner
TÌM KIẾM

Đại hội đồng LHQ cảnh báo nhiều vấn đề toàn cầu

21/09/2023 02:42
Hàng loạt thách thức an ninh, địa chính trị, kinh tế và biến đổi khí hậu được đề cập tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và cấp thiết phải hợp tác, cải cách để giải quyết.

Ngày 19-9, phiên thảo luận cấp cao thuộc khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 78 đã khai mạc tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ) với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”.

Kỳ họp sẽ kéo dài tới ngày 30-9, với sự tham dự từ 143 đại diện chính phủ các nước, theo đài CBS News. 4/5 thành viên thường trực (gồm Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) không có nguyên thủ dự mà chỉ cử đại diện. Cụ thể, đại diện từ Trung Quốc là Phó Chủ tịch Hàn Chính, phái đoàn Anh cử Phó Thủ tướng Oliver Dowden, Pháp cử Ngoại trưởng Catherine Colonna, Nga cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov.

lienhopquoc

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 19-9. Ảnh: Zuma Press Wire/Shutterstock

Cần cải cách Hội đồng Bảo an, các thể chế toàn cầu

Tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và nhiều lãnh đạo đề cập hàng loạt thách thức mang tính toàn cầu từ bất ổn an ninh, địa chính trị, kinh tế đến biến đổi khí hậu.

Tờ The Guardian dẫn lời ông Guterres rằng thế giới đang trở nên hỗn loạn khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Trong khi đó, các thiết chế toàn cầu lại không phản ứng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của thế giới về sự linh hoạt, hiệu quả của thể chế đa phương.

Đề cập xung đột Nga - Ukraine, ông Guterres nhận xét cuộc chiến đang tác động nghiêm trọng đến toàn thế giới, đặc biệt mối đe dọa hạt nhân đang lớn dần. Cho rằng “việc phớt lờ các hiệp ước và công ước toàn cầu khiến tất cả chúng ta mất an ninh hơn” - người đứng đầu LHQ khẳng định nếu mọi quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến chương LHQ thì hòa bình sẽ được đảm bảo. Song cụ thể, có thể thấy các thành viên LHQ đang bị mắc kẹt và chia rẽ trong vấn đề xung đột Ukraine.

Cảnh báo rằng LHQ “không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả” nếu các thể chế tiếp tục bị chia rẽ và không phản ánh chính xác thế giới, vị tổng thư ký LHQ kêu gọi cần thiết phải mở rộng Hội đồng Bảo an để có thêm nhiều tiếng nói trên các vấn đề liên quan an ninh toàn cầu.

Đề cập khủng hoảng an ninh, chính trị, khí hậu

“Tôi biết một cải cách như vậy đòi hỏi quyền lực rất lớn. Tôi biết có rất nhiều thế lực đang cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, không cải cách thì chúng ta sẽ tiếp tục chia rẽ hơn nữa. Đây là lúc lựa chọn giữa cải cách hoặc tan rã” - ông Guterres cảnh báo.

Tại phiên khai mạc, ông Guterres cũng nhận xét thế giới “đang tiến gần hơn bao giờ hết đến sự rạn nứt lớn trong hệ thống kinh tế, tài chính và quan hệ thương mại; hệ thống Internet mở tự do cũng bị đe dọa do công nghệ và trí tuệ nhân tạo”. Vị tổng thư ký LHQ kêu gọi cải cách sâu sắc “cấu trúc tài chính quốc tế rối loạn, lỗi thời và bất công”, bao gồm gói giải cứu trị giá 500 tỉ USD mỗi năm cho các quốc gia đang mắc nợ nặng nề nhất.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới về nguy cơ đảo chính ở Guatemala, lặp lại những lo ngại của Mỹ về rủi ro đối với nền dân chủ ở quốc gia Trung Mỹ này sau cuộc bầu cử vào tháng trước.

Dù từng bị chỉ trích vì đưa ra loạt cảnh báo đen tối về tình hình thế giới nhưng ông Guterres nhấn mạnh rằng bài phát biểu của ông đi thẳng vào vấn đề và là giải pháp cho tình thế hiện tại.

Không chỉ ông Guterres cảnh báo, tại phiên khai mạc, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng chỉ trích việc Hội đồng bảo an LHQ để cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn và việc các thể chế đa phương đã không thúc đẩy hòa bình toàn cầu và giảm nghèo. Vị tổng thống Brazil cũng chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế vì không đại diện cho các nước nghèo và Tổ chức Thương mại Thế giới không ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới.

Phiên khai mạc chứng kiến lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ủng hộ Ukraine.

Ông Biden nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh của Washington sẽ sát cánh cùng Ukraine, theo hãng tin Reuters. Phần mình, ông Zelensky nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine phải chấm dứt để thế giới có thể tập trung giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách như khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ với hàng loạt thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn trận động đất gần đây ở Morocco và lũ lụt ở Libya.

Khủng hoảng khí hậu toàn cầu đã trở thành vấn đề không thể phớt lờ. Tại phiên khai mạc, ông Guterres yêu cầu phải có thêm một hiệp ước chung khác về khí hậu, trong đó tất cả các nước phát thải lớn đều nỗ lực hơn nữa để cắt giảm khí thải và các nước giàu hơn sẽ hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi về tài chính và công nghệ để làm điều đó. Ông Guterres cũng kêu gọi “chấm dứt sử dụng than, trước năm 2030 đối với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và trước năm 2040 đối với phần còn lại của thế giới”.•

Nguồn Pháp luật

Tin liên quan