Ngày 18-7, sau khi đi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 1 tiếp tục di chuyển lên phía bắc, đi vào đất liền của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, một số khu vực của miền Bắc nước ta đã có gió mạnh và mưa to…
Cảnh báo lũ lớn cục bộ, đê yếu
Mặc dù bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cảnh báo trong ngày 19-7, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc. Tiếp đến, ngày 20-7, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đặc biệt, các sông suối nhỏ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.
Chiều 18-7, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã ký quyết định mở cửa hoạt động trở lại đối với ba sân bay Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn sau khi bão số 1 suy yếu. Cụ thể, sân bay Nội Bài mở cửa hoạt động trở lại từ 15 giờ ngày 18-7. Hai sân bay Vân Đồn và Cát Bi mở cửa hoạt động từ 16 giờ ngày 18-7.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão, các hãng hàng không đã thông báo hủy hàng trăm chuyến bay. Trao đổi với PV, đại diện các hãng hàng không cho biết những ngày tới sẽ tăng cường thêm chuyến bay và sử dụng máy bay thân rộng để hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị ở các tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 18-7, mực nước tại các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang vẫn đang thấp hơn mực nước cho phép. Dung tích các hồ thủy lợi khu vực Bắc Bộ phần lớn đạt 32%-86% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, lo ngại vì vẫn còn gần 500 hồ thủy lợi xung yếu và 20 hồ đang thi công.
Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu, bảy công trình đang thi công dở dang, ba sự cố chưa được xử lý triệt để cần quan tâm, bảo vệ.
Để tránh những thiệt hại có thể xảy ra do mưa lũ sau bão, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi nhà yếu, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Chiều 18-7, tại Quảng Ninh vẫn còn mưa. Tàu thuyền được cảnh báo chưa vội ra biển đánh bắt. Ảnh: PHI HÙNG
Đồng thời tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu quảng cáo; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt khu đô thị và công nghiệp, nhất là tại các tỉnh, TP thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa to như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Khuyến cáo người dân thận trọng đi lại sau bão
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM cho thấy ngày 18-7, do ảnh hưởng của bão số 1, nhiều tỉnh, TP khác của miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội vẫn có gió mạnh và mưa nhưng lượng mưa không lớn. Tại tỉnh Quảng Ninh, vùng biển Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà có gió cấp 4-5, giật cấp 6-7. Toàn tỉnh Quảng Ninh có mưa, tuy vậy lượng mưa phổ biến chỉ ở mức 10-30 mm.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Quảng Ninh đã có công điện chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó sau bão. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa nên di chuyển khỏi nơi tránh trú; thực hiện ứng trực, canh gác 24/24 giờ thường xuyên tại các vị trí xung yếu; kiểm soát, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại sau bão do còn mưa lớn, lũ có khả năng tràn về...
Mưa lớn, giông lốc ở một số tỉnh phía Nam
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong thời gian bão số 1 đang diễn ra ở khu vực phía Bắc thì tại các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau… có mưa lớn kèm theo giông, lốc và gió mạnh trên biển đã gây nhiều thiệt hại.
Cụ thể, có 117 nhà bị sập đổ, tốc mái (Bến Tre 27, Hậu Giang 14, Kiên Giang 30, Sóc Trăng 1, Vĩnh Long 11, Cà Mau 34). Về tàu, có hai tàu cá/11 lao động của tỉnh Cà Mau bị chìm, toàn bộ thuyền viên đã được cứu vớt an toàn.
Nguồn Pháp luật