Tỷ phú Quách Đài Minh, 72 tuổi, người sáng lập tập đoàn Foxconn, ngày 28/8 tuyên bố tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan với tư cách ứng viên độc lập. Tại một cuộc họp báo, ông chỉ trích đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, nói rằng các chính sách của đảng này và lãnh đạo đương nhiệm Thái Anh Văn đã "đẩy Đài Loan đến nguy cơ chiến tranh" với Trung Quốc đại lục.
"Tôi chắc chắn không cho phép Đài Loan trở thành Ukraine tiếp theo", tỷ phú Foxconn nhấn mạnh.
Ông Quách Đài Minh phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm Mỹ hồi năm 2019. Ảnh: Reuters
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Trong khi đó, lãnh đạo Thái Anh Văn khẳng định chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai hòn đảo.
Bắc Kinh coi bà Thái Anh Văn là người theo chủ nghĩa ly khai, cảnh báo rằng các nỗ lực đòi "Đài Loan độc lập" sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Quan hệ hai bờ eo biển gần đây gia tăng căng thẳng, khi các quan chức, nghị sĩ Mỹ tăng cường đến thăm hòn đảo.
Theo ông Quách, định hướng chính sách này của bà Thái và DPP "mắc phải đủ loại sai lầm". "Họ không có cách nào giúp giải quyết những khó khăn của ngành công nghiệp Đài Loan và sinh kế cho người dân", ông nói, cho rằng chính quyền hòn đảo cần những cách tiếp cận mới về kinh tế cũng như hàng loạt vấn đề khác.
Công ty Foxconn của tỷ phú Quách Đài Minh là nhà cung cấp linh kiện chính cho Apple và có nhiều nhà máy ở Trung Quốc sản xuất iPhone, sử dụng tới hơn một triệu lao động.
Ông Quách từ lâu có tham vọng trở thành lãnh đạo Đài Loan và theo đuổi tư cách ứng viên của Quốc dân đảng trong năm nay. Tuy nhiên, Quốc dân đảng cuối cùng chọn ông Hầu Hữu Nghi, cựu cảnh sát trưởng và hiện là thị trưởng thành phố Tân Bắc, làm ứng viên đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử lãnh đạo hòn đảo vào đầu năm sau.
Điều này buộc ông Quách phải chạy đua với tư cách ứng viên độc lập. Để đủ điều kiện tranh cử, ông cần thu thập 290.000 chữ ký ủng hộ trước ngày 2/11.
Ủy ban Bầu cử sau đó sẽ xem xét tính xác thực của các chữ ký và công bố kết quả trước ngày 14/11. Theo Yeh-lih Wang, giáo sư chính trị tại Đại học Đài Loan, đây là một thách thức khá lớn, bởi nó đòi hỏi tỷ phú phải được ít nhất 1,5% dân số hòn đảo đứng về phía ông.
Các ứng viên khác cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 13/1/2024 là cựu thị trưởng thành phố Đài Bắc Kha Văn Triết của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) và phó lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm Lại Thanh Đức của DPP. Bà Thái Anh Văn đã giữ chức lãnh đạo hòn đảo hai nhiệm kỳ nên không thể tiếp tục tranh cử.
Hiện tại, ông Lại là người dẫn đầu về mức độ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Tỷ phú Quách chưa bao giờ nhận được hơn 20% ủng hộ khi đứng cạnh ba ứng viên nổi bật còn lại.
"Ông ấy luôn nghĩ mình có thể là người đoàn kết phe đối lập", giáo sư Wang nhận xét, nhưng lưu ý rằng điều này thực sự khó xảy ra.
Theo Tiêu Húc Sầm, giám đốc quỹ Mã Anh Cửu ở Đài Bắc, nguyên phó tổng thư ký văn phòng lãnh đạo Đài Loan, người thường xuyên bình luận về các sự kiện quan trọng tại hòn đảo, quyết định tranh cử là cách tỷ phú Quách "thể hiện quyền lực chính trị của mình".
Lo ngại về một cuộc xung đột có thể nổ ra ở eo biển Đài Loan đang là mối quan tâm lớn nhất đối với người dân trên hòn đảo. Vì thế, tỷ phú Foxconn đã vận động tranh cử bằng lời hứa sẽ ngăn chặn kịch bản tồi tệ này xảy ra và khiến mối quan hệ giữa Đài Bắc với Bắc Kinh trở nên dễ dàng hơn.
Tại một cuộc gặp mặt gần đây ở Đại học Đông Hải của Đài Loan, ông Quách tuyên bố Trung Quốc sẽ không tấn công hòn đảo nếu ông lên làm lãnh đạo. Theo giới quan sát, tỷ phú Foxconn, một trong những người giàu nhất Đài Loan, với tài sản ròng khoảng 7 tỷ USD, có lý do cho phát biểu của mình.
"Tôi cho rằng phần nào nguyên nhân thúc đẩy tỷ phú Quách tranh cử là vì cái tôi", Kharis Templeman, nhà nghiên cứu chuyên về Đài Loan tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Mỹ, nhận xét. "Ông ấy tin rằng đã kiếm được rất nhiều tiền, gặt hái vô số thành công nhiều năm qua, nên biết rõ hơn ai hết về cách giải quyết các vấn đề, kể cả với Trung Quốc".
Theo Templeman, ông Quách dường như cho rằng việc sở hữu mạng lưới kinh doanh rộng lớn ở Trung Quốc đại lục cùng vị trí nổi bật trong cộng đồng doanh nghiệp tại đây sẽ là lợi thế để giúp ông điều hành chính quyền Đài Loan tốt hơn bất kỳ ai khác.
Nhưng giới chuyên gia nhận định những quan hệ cá nhân và làm ăn ở Trung Quốc cũng có thể là rào cản với tham vọng chính trị của ông Quách, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bờ eo biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Yen Chen-shen, nhà nghiên cứu tại Đại học Chính trị Đài Loan, với lý lịch và quan điểm thân thiện với Bắc Kinh của Quách, việc ông ứng cử có thể khiến phe đối lập khó đánh bại ứng viên DPP hơn. Tỷ phú Quách có thể "trở thành bệ phóng đưa ông Lại Thanh Đức đến chiến thắng", ông nói.
"Việc có cơ sở kinh doanh lâu dài ở Trung Quốc đại lục thực sự là một gánh nặng chính trị với ông Quách. Tôi nghĩ DPP đang mong muốn viễn cảnh ông ấy trở thành ứng viên xảy ra và họ sẽ có một mục tiêu dễ dàng trong tầm ngắm", Templeman nhận định. "Ông ấy sẽ rất khó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử".
Những người chỉ trích tỷ phú Quách cũng cho rằng lợi ích kinh doanh quá lớn của ông ở Trung Quốc khiến ông dễ chịu áp lực từ Bắc Kinh. Theo Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan, ông Quách đang sở hữu 9,68% cổ phiếu của Foxconn, tương đương hơn 1,3 triệu cổ phiếu.
Trong một tuyên bố, Foxconn cho biết ông Quách đã không còn thực hiện công việc quản lý hàng ngày của công ty khi trao lại quyền lãnh đạo tập đoàn vào năm 2019 cho người kế nhiệm Lưu Dương Vỹ, đồng thời thêm rằng "Foxconn sẽ không tham gia vào các hoạt động chính trị".
Hôm 28/8, tỷ phú Quách vẫn kiên định thể hiện mình là người có thể hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc mà không bị Bắc Kinh tác động. Ông khẳng định nếu Trung Quốc muốn tịch thu tài sản của Foxconn như một cách để gây áp lực, khi đó, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư nước ngoài. "Tôi tuyệt đối không bao giờ chấp nhận bất kỳ hành vi ép buộc nào", ông cho hay.
Nguồn Vnexpress