Ngày 2-8, ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP.HCM cho biết, Cục đang xác minh làm rõ vụ việc Công ty TNHH yến sào Hubnest (MST: 0317512399, quận Bình Thạnh) xuất 6 hóa đơn với doanh số hơn 34.500 tỷ đồng cho giao dịch chứng khoán phái sinh trong quý 1-2023. Sau đó, Cục sẽ báo cáo lên Tổng cục Thuế để có hướng xử lý phù hợp.
Theo ông Giao, sau khi rà soát trên hệ thống, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã mời doanh nghiệp này lên giải trình tình hình hoạt động. Theo giải trình, Công ty Yến sào Hubnest cho biết ngoài kinh doanh yến sào, thực phẩm, đơn vị còn có kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30, thực hiện giao dịch thông qua Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HSC) bằng phương thức khớp lệnh.
Trong quý 1-2023, công ty có xuất 6 hóa đơn với doanh thu hơn 34.574 tỉ đồng. Mặc dù hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế VAT, nhưng công ty xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế VAT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của HSC.
Đối với hóa đơn đầu ra, công ty ghi nội dung là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10-2022; VN30F2211 tháng 11-2022; VN30F2212 tháng 12-2022; VN30F2301 tháng 1-2023; VN30F2302 tháng 2-2023; VN30F2303 tháng 3-2023. Tại mục tên người mua ghi là khách hàng không lấy hóa đơn.
Công ty Yến sào Hubnest giải trình là do vòng quay vốn lớn và do đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp nhiều lần vốn. Chẳng hạn DN có thể sử dụng 25 triệu đồng tiền ký quỹ (tương đương 25%) để giao dịch một hợp đồng tương lai 100 triệu đồng và lập lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, có giá trị phụ thuộc vào giá trị của tài sản cơ sở (hàng hoá, công cụ tài chính). Giá giao dịch sẽ được xác định ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên thời điểm thực hiện sẽ ở một ngày cụ thể trong tương lai. Chứng khoán phái sinh bao gồm bốn loại như sau: Hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi.
Tại thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam hiện nay cho phép giao dịch hợp đồng tương lai đối với chỉ số cổ phiếu (tài sản cơ sở là chỉ số VN30) và trái phiếu chính phủ (tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm hoặc kỳ hạn 10 năm).
Trước khi thực hiện giao dịch mua bán hợp đồng tương lai, nhà đầu tư cần ký quỹ. Nhưng theo quy định nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một khoản ký quỹ thấp (17% giá trị hợp đồng) để giao dịch các hợp đồng có giá trị lớn gấp nhiều lần. Đặc biệt là có thể lập lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày.
“Như trường hợp công ty xuất 6 hoá đơn giá trị gần 1,5 tỉ đồng. Nếu công ty này giao dịch trong vài ngày mà doanh thu cao như vậy thì đúng là bất thường nhưng giao dịch của công ty này theo như cơ quan thuế thông tin thì trong 6 tháng thì kiểm tra lại mới chính xác được.
Vì trong thời gian dài như vậy, mỗi ngày có thể giao dịch lập lại hàng trăm lần, mỗi tháng hàng ngàn lần, thì con số giao dịch tổng có thể lần tới hàng chục ngàn lần. Như vốn thực tế giao dịch chỉ 34 tỉ đồng nhưng có số lượng giao dịch tới 1.000 lần nên tổng giá trị giao dịch lên tới 34.000 tỉ đồng”- ông Hải phân tích.
Nguồn Pháp luật
Địa chỉ: A75/24 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
Email: truyenhinhvietnam.vn@gmail.com
Hotline: 0904 333 202
ĐƠN VỊ VẬN HÀNH
Cty CP Công nghệ Truyền hình Việt Nam trực tuyến TVO
Giấy phép đơn vị số: 0316377612 - Sở KH&ĐT TP.HCM cấp ngày 22/10/2021 và hoạt động theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.
Hoạt động theo chuyên đề của TVO 24H - Giấy phép số 66/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hồ Chí Minh cấp.