Banner
TÌM KIẾM

Cuộc chiến kinh tế Nga - phương Tây ngày càng trở nên nguy hiểm hơn

18/05/2023 09:36
Đây là nhận định của bà Alexandra Prokopenko - học giả không thường trú tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, cũng là thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức và nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu và Quốc tế - trong một bài đăng trên tờ báo Financial Times mới đây...

kinh-te-phuong-tay

Các dự án của nước ngoài trị giá hàng tỷ USD với nhiều năm gây dựng tại Nga đang bị đe dọa - Ảnh: Getty Images

“Đối đầu kinh tế giữa Nga và phương Tây kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang bước vào mới đầy nguy hiểm”, bà Prokopenko nhận định.

Theo bà Prokopenko, đến nay, Moscow chủ yếu tập trung vào các biện pháp trả đũa nhằm siết chặt thị trường năng lượng châu Âu. Tuy nhiên, sau một loạt bán quyết của tòa án tại châu Âu về việc đóng băng tài sản của Nga tại châu lục này, điện Kremlin đã bắt đầu leo thang trả đũa và tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm tạm thời quốc hữu hóa tài sản của nước ngoài tại nước này.

Hiện tại, các dự án của nước ngoài trị giá hàng tỷ USD với nhiều năm gây dựng tại Nga đang bị đe dọa. Bà Prokopenko cho rằng nhiều khả năng Moscow sẽ có cách tiếp cận "theo hướng cá nhân hóa" đối với các bên liên quan của nước ngoài và cố gắng châm ngòi cho sự chia rẽ mới ở phương Tây, đồng thời giúp các nhóm lợi ích tại Nga hưởng lợi.

Những “nạn nhân” đầu tiên của chính sách mới của Moscow là tài sản tại Nga của hai công ty năng lượng châu Âu gồm Fortum của Phần Lan và Uniper của Đức. Các tài sản này hiện đang tạm thời được quản lý theo một sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Những động thái của điện Kremlin dường như được châm ngòi bởi phán quyết của tòa án hành chính liên bang tại thành phố Leipzig (Đức) liên quan tới công ty dầu khí nhà nước của Nga Rosneft”, bà Prokopenko nhận xét.

"Các quy định về việc rút khỏi thị trường Nga dành cho các công ty phương Tây được đưa ra vào tháng trước chỉ là một phần trong chiến lược trả đũa của Nga.

Hành động của Nga đối với tài sản của Fortum và Uniper gần đây của Moscow chỉ đơn giản là bề nổi của những gì sẽ xảy ra sắp tới".

Học giả Alexandra Prokopenko

Tòa án Đức đã đưa tài sản tại Đức của Rosneft vào diện giám sát của cơ quan quản lý năng lượng quốc gia. Trước đó, Rosneft là công ty lọc dầu lớn thứ ba tại Đức, chiếm hơn 12% tổng công suất lọc dầu của nước này.

Hành động của Đức bắt nguồn từ một số hậu quả ngoài ý muốn của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine. Nhà máy lọc dầu của Rosneft, phía Đông Bắc nước Đức đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn khu vực Berlin. Tuy nhiên, do cổ đông lớn nhất của Rosneft, ông Igor Sechin - cũng là một đồng minh thân cận lâu năm của Tổng thống Putin, nằm trong diện bị trừng phạt, công ty này khó có thể hoạt động bình thường bởi những giao dịch liên quan đến các thực thể bị trừng phạt là bất hợp pháp và có nguy cơ bị rút vốn.

“Tại Moscow, những hành động như vậy của nhà chức trách phương Tây ngày càng bị xem càng bị coi là ‘cướp giữa ban ngày’, và những nhân vật có lập trường cứng rắn ở điện Kremlin sẽ không chỉ ngồi yên và nhìn”, bà Prokopenko nói.

Theo bà, các quy định về việc rút khỏi thị trường Nga dành cho các công ty phương Tây được đưa ra vào tháng trước chỉ là một phần trong chiến lược trả đũa của Nga. Các quy định này chỉ cho phép doanh nghiệp phương Tây bán cổ phần trong các dự án hợp tác cùng đối tác Nga với giá 50 USD. Ngoài ra, họ cũng phải “tự nguyện đóng góp” cho ngân sách của Nga từ 5-10% giá trị tài sản.

Sắc lệnh của ông Putin cho phép cơ quan quản lý tài sản liên bang Nga có quyền kiểm soát các tài sản của doanh nghiệp phương Tây bị ảnh hưởng bởi yêu cầu ngừng hoạt động ở Nga. Nhiệm vụ của cơ quan này là định giá các tài sản đó rồi bán chúng cho một bên mua thuộc Nga.

“Nói cách khác, hành động của Nga đối với tài sản của Fortum và Uniper gần đây của Moscow chỉ đơn giản là bề nổi của những gì sẽ xảy ra sắp tới”, bà Prokopenko nhận xét.

Tuy nhiên, theo bà, với cơ chế pháp lý mới, nhiều khả năng Moscow sẽ không triển khai cách tiếp cận thống nhất với các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, điện Kremlin sẽ giảm giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài tùy thuộc vào mối quan hệ của họ ở Nga. Một ví dụ điển hình cho việc này là Moscow đã trả cho công ty dầu khí Shell của Anh hơn 1 tỷ USD để mua lại cổ phần của họ tại mỏ dầu khí Sakhalin-2.

Nữ học giả đánh giá cách tiếp cận này giúp Moscow có cơ hội gây ra sự chia rẽ mới giữa các quốc gia và doanh nghiệp phương Tây.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phương Tây rơi vào thế khó. Ở quê nhà, họ chịu áp lực của công chúng phải cắt đứt quan hệ với Nga, nhưng các lệnh trừng phạt lại cấm họ bán cổ phần cho hầu hết doanh nghiệp Nga. Trong khi đó, việc tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ Nga có thể khiến họ bị xem là ủng hộ chiến tranh. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp phương Tây nhận định họ có khả năng mất trắng các khoản đầu tư ở Nga.

Nguồn VnEconomy

Tin liên quan
thaco
Banner Right 2
Banner Right 1
TRUYỀN HÌNH  VIỆT NAM TRỰC TUYẾN TVO
TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM TRỰC TUYẾN TVO

Địa chỉ: A75/24 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM

Email: truyenhinhvietnam.vn@gmail.com

Hotline: 0904 333 202

ĐƠN VỊ VẬN HÀNH

Cty CP Công nghệ Truyền hình Việt Nam trực tuyến TVO

Hoạt động theo chuyên đề của TVO 24H - Giấy phép số 66/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hồ Chí Minh cấp. 

Giấy phép đơn vị số: 0316377612 - Sở KH&ĐT TP.HCM cấp ngày 22/10/2021 và hoạt động theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

  • Online: 2
  • Ngày: 1195
  • Tổng: 706707