Banner
TÌM KIẾM

Gập ghềnh kinh tế 2023, chờ bứt phá 2024

02/01/2024 11:29
Sau một năm gập ghềnh 2023, kinh tế thế giới đang được kỳ vọng sẽ có bứt phá trong năm 2024, dù dự báo tăng trưởng khá khiêm tốn và lạm phát vẫn là mối lo hàng đầu.

Kinh tế thế giới năm 2023 chứng kiến nhiều nốt trầm khi đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như lạm phát cao, lãi suất tăng, thị trường lao động biến động, tăng trưởng kém... Giới quan sát nhận định rằng kinh tế toàn cầu năm 2024 dù vẫn còn nhiều mối lo nhưng sẽ xuất hiện nhiều yếu tố lạc quan.

Năm 2023 trầm lắng với kinh tế thế giới

Báo cáo tình hình kinh tế thế giới 2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng kinh tế thế giới năm 2023 vẫn chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch COVID-19. Theo cơ quan này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2023 dự kiến tăng 3,3%-3,5%, thấp hơn mức trung bình 3,8% giai đoạn 2000-2019. Trong khi đó, lạm phát năm nay tuy có giảm nhiều so với năm trước (9,2%), song vẫn ở mức khá cao (5,9%).

IMF khoanh vùng một nguyên nhân khiến kinh tế thế giới giảm tốc là do ngân hàng trung ương ở các nước phát triển tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát, dẫn đến tăng chi phí vay, làm doanh nghiệp cảm thấy ngần ngại đầu tư.

kinhte

Hội chợ việc làm ở TP Los Angeles, bang California (Mỹ) vào ngày 2-11-2023. Thị trường việc làm ở Mỹ về cuối năm 2023 đã dần ổn định. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Một yếu tố nữa là chiến sự Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas đã tác động lớn đến thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu, đẩy giá hàng hóa lên cao. IMF dự báo rằng xung đột Nga - Ukraine có thể làm thiệt hại khoảng 0,4% GDP thế giới trong năm 2023. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, như bão lụt và hạn hán, cũng gây tổn thất nặng nề về người và tài sản.

Về cụ thể các nền kinh tế lớn, Mỹ trong năm qua chứng kiến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục nhằm kìm lạm phát và một số ngân hàng sụp đổ làm dấy lên lo ngại xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ những tháng cuối năm đã vực dậy với tăng trưởng GDP quý III-2023 là 4,9%. Mỹ cũng đã tạm kiểm soát được lạm phát, ổn định được thị trường việc làm và giá cả tiêu dùng.

Kinh tế châu Âu khá ảm đạm trong năm 2023 khi bị hàng loạt thách thức bủa vây như rối loạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng leo thang, lạm phát tăng cao... theo hãng tin AFP. Tương tự Mỹ, các ngân hàng trung ương ở châu Âu cũng tăng lãi suất để kìm lạm phát. Tuy nhiên, dù phần nào đạt được mục tiêu kìm lạm phát nhưng lãi suất tăng lại gây áp lực lớn lên doanh nghiệp khi đối mặt với các khoản vay đầu tư. Dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu euro trong năm 2023 sẽ chỉ ở mức 0,6%, giảm mạnh so với mức 3,1% của năm 2022.

Điểm sáng của kinh tế toàn cầu trong năm 2023 là châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng châu Á dự kiến đạt 4,9% trong năm 2023, cao hơn mức 4,7% năm 2022. Các yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng khu vực và sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc và đà tăng trưởng của Ấn Độ. Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn mức 3% năm 2022. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 - cao nhất trong vòng 10 năm.

Năm mới chông gai

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới vẫn sẽ ở mức khiêm tốn, do tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thương mại yếu, niềm tin kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng thấp. OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,9% vào năm 2023, sau đó giảm nhẹ xuống 2,7% vào năm 2024 và cải thiện đôi chút lên 3% vào năm 2025.

Về cuộc chiến lạm phát, các ngân hàng trung ương, chủ yếu ở các nền kinh tế lớn, chủ trương sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian nữa để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Theo ông Ahmet Ihsan Kaya, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), các quyết định của các ngân hàng trung ương về thời điểm và tốc độ bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ là một trong những động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Báo cáo của S&P Global Market Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính - Mỹ) đánh giá hoạt động của chuỗi cung ứng thế giới về cơ bản đã được bình thường hóa trong năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận hiện vẫn tồn tại nhiều rủi ro đáng kể trong các lĩnh vực chính sách công, lao động, chính sách môi trường và những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến triển vọng của chuỗi cung ứng vào năm 2024.

Bên cạnh đó, các yếu tố như hiện tượng thời tiết El Nino, chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas và các căng thẳng địa chính trị khác cũng tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng, tốc độ tăng trưởng và thị trường việc làm của nhiều khu vực. Các yếu tố này còn gây tiêu cực cho thị trường hàng hóa và năng lượng toàn cầu khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao.

“Cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để xây dựng lại nền tài chính, cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, chúng ta cần tăng cường cạnh tranh, đầu tư và kỹ năng, đồng thời cải thiện hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức chung, như thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu và có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” - Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết.

“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là tâm điểm tăng trưởng chính trong năm 2024” - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế toàn cầu tại S&P Global Market Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính - Mỹ) Ken Wattret nói.

Các cuộc bầu cử quan trọng trong năm tới, bao gồm ở Mỹ, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Mexico... cũng sẽ tác động không nhỏ đến triển vọng kinh tế thế giới, đặc biệt cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Theo tờ The New York Times, các ứng viên đắc cử sẽ đưa ra các quyết định chính sách quan trọng ảnh hưởng đến trợ cấp doanh nghiệp, thuế quan, chuyển giao công nghệ, phát triển trí tuệ nhân tạo, rào cản thương mại, đầu tư, xóa nợ và quá trình chuyển đổi năng lượng. Và dĩ nhiên đây là những thứ không thể lường trước được.

Nên ưu tiên những gì?

OECD đã có “mách nước chính sách” với các nền kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo kìm lạm phát ở mức thấp lâu dài, giảm bớt áp lực tài chính, cải thiện triển vọng tăng trưởng bền vững và toàn diện trong trung hạn.

Theo OECD, các nước chưa nên vội nới lỏng chính sách tiền tệ mà chờ đến khi áp lực lạm phát cơ bản giảm xuống lâu dài, bền vững, thị trường tiêu dùng và thị trường lao động được tái cân bằng.

Các nước cần chuẩn bị chính sách tài khóa cho áp lực chi tiêu trong tương lai đến từ các áp lực tài chính ngày càng tăng do gánh nặng nợ cao, chi tiêu bổ sung cho nhóm dân số già, quá trình chuyển đổi khí hậu...

Một việc cần ưu tiên nữa là giữ thị trường mở và thực hiện cải cách cơ cấu để khôi phục tăng trưởng. Các nước cũng cần chú trọng tăng cường hợp tác đa phương để vực dậy thương mại toàn cầu.•

Nguồn Pháp luật

Tin liên quan
thaco
Banner Right 2
Banner Right 1
TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN TVO
TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN TVO

Địa chỉ: A75/24 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM

Email: truyenhinhvietnam.vn@gmail.com

Hotline: 0904 333 202

ĐƠN VỊ VẬN HÀNH

Cty CP Công nghệ Truyền hình Việt Nam trực tuyến TVO

Giấy phép đơn vị số: 0316377612 - Sở KH&ĐT TP.HCM cấp ngày 22/10/2021 và hoạt động theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Hoạt động theo chuyên đề của TVO 24H - Giấy phép số 66/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hồ Chí Minh cấp. 

  • Online: 2
  • Ngày: 667
  • Tổng: 1057948