Nhật Bản mong muốn khôi phục vị thế của một cường quốc bán dẫn trên thế giới. Ảnh: Reuters.
Nhật Bản từng thống trị ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật Bản có lúc chiếm quá nửa thị phần chip trên thị trường quốc tế.
Tuy vậy, từ thập niên 90, Nhật Bản bắt đầu để mất thị phần vào các đối thủ như Hàn Quốc và Đài Loan. Trong khi các nhà sản xuất ngoài nước ngày càng có nguồn lực mạnh mẽ, các công ty Nhật Bản trở nên khó cạnh tranh hơn.
“Trong cuộc chơi về bán dẫn, Nhật Bản đã chịu thua trước đảo Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục”, ông Maitani Masato, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn Mitsubishi UFJ Research & Consulting, nói với NHK. “Bài học là ngành công nghiệp này cần sự hỗ trợ của chính phủ để xây dựng các cơ sở, đầu tư vào công nghệ và nguồn lực con người”.
Giới chức Nhật Bản dường như cũng nhận ra điều này. Bản chiến lược bán dẫn mới được công bố của nước này đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng với lĩnh vực sản xuất chip. Để làm được điều đó, Nhật Bản sẽ cần tăng cường đầu tư vào các công ty nội địa lẫn thu hút các “đại bàng” từ nước ngoài đến đầu tư.
Chiến lược mới
Sau quãng thời gian suy thoái, chính phủ và các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản bắt đầu tự hỏi nguyên nhân khiến ngành công nghiệp chip nước này đánh mất vị thế.
Trong hai thập kỷ qua, hàng loạt nỗ lực đã được triển khai nhằm “hồi sinh” ngành bán dẫn Nhật Bản. Tuy vậy, thập niên 2010 được coi là “thập kỷ bị đánh mất” khi Nhật Bản không thể đầu tư đủ mức cho lĩnh vực này.
Chiến lược bán dẫn năm 2020 của Nhật Bản đặt mục tiêu đạt doanh thu 5.000 tỷ yen (khoảng 36 tỷ USD) từ sản phẩm bán dẫn vào năm 2030.
Chỉ ba năm sau, bản chiến lược đã được sửa đổi. Theo văn bản mới được công bố vào đầu tháng 6, mục tiêu giờ đây đã tăng gấp 3 lần lên 15.000 tỷ yen (khoảng 108 tỷ USD).
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, bản chiến lược mới có mục tiêu tăng năng lực phát triển và sản xuất các loại chip tiên tiến, vật liệu quan trọng với an ninh kinh tế của Nhật Bản.
Thị phần của Nhật Bản trong ngành chip toàn cầu liên tục giảm trong những thập kỷ qua. Đồ họa: NHK.
Bản chiến lược nhận định mục tiêu mới sẽ giúp Nhật Bản đảm bảo nguồn cung sản phẩm bán dẫn ổn định cho đất nước.
“Các công ty liên quan tới chip của Nhật Bản, bao gồm các công ty nhỏ, đã đổ nhiều khoản đầu tư. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư này”, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nói với báo giới. “Chúng tôi muốn có đủ ngân sách để hỗ trợ nỗ lực đó”.
Bản chiến lược dài 274 trang không đề cập cụ thể số tiền chính phủ Nhật Bản định chi trong những năm tới.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ xem xét cắt giảm thuế và trợ cấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn - cũng như các công nghệ quan trọng khác như pin tích năng hay công nghệ sinh học, theo bản chính sách kinh tế mới được cập nhật của Nhật Bản.
Hồi sinh sau "chạm đáy"
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sa sút của ngành bán dẫn Nhật Bản không đến từ các đối thủ láng giềng mà từ phía bên kia Thái Bình Dương.
Trong những thập niên cuối thế kỷ trước, giới chức Mỹ lo ngại các khoản trợ cấp xuất khẩu của Nhật Bản giúp các công ty nước này bán hàng loạt sản phẩm giá rẻ - từ chip tới các thiết bị điện tử dân dụng - tới thị trường Mỹ, tác động tiêu cực tới các công ty địa phương.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản tương đối “đóng” với hàng xuất khẩu. Trong bối cảnh này, Mỹ đã buộc Nhật Bản nhân nhượng với thỏa thuận về bán dẫn năm 1986. Theo thỏa thuận, Mỹ có quyền thiết lập giá bán chip tối thiểu tại thị trường Mỹ, trong khi Nhật Bản phải tăng thị phần chip ngoại trên thị trường nội địa từ 10% lên 20%.
Hai nhân tố này đã chung tay “đánh gục” ngành chip Nhật Bản, mở đường cho các đối thủ vươn lên. Từ con số đỉnh điểm 50%, Nhật Bản giờ đây chỉ còn nắm khoảng 10% thị trường chip toàn cầu. Mục tiêu của chính phủ Nhật Bản tương đối đơn giản: Giữ vững con số này vào năm 2030.
Dự án nhà máy chip 8,7 tỷ USD có sự tham gia của TSMC tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Ảnh: New York Times.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng trước đã gặp mặt lãnh đạo các công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới với mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp này đầu tư vào Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã hỗ trợ công ty Nhật Bản Rapidus và tập đoàn Đài Loan TSMC tổng cộng hơn 800 tỷ yen (hơn 5,7 tỷ USD). TSMC đang có kế hoạch xây một nhà máy mới ở tỉnh Kumamoto, miền Nam Nhật Bản. Nhà máy của tập đoàn Kioxia ở tỉnh Mie cũng nhận được trợ cấp 92,9 tỷ yen (hơn 660 triệu USD).
Giới chức Nhật Bản kỳ vọng các nhà máy của TSMC và Kioxia sẽ giúp GDP của nước này tăng 4.200 tỷ yen (hơn 30 tỷ USD), tạo ra khoảng 463.000 việc làm và nộp 760 tỷ yen (hơn 5,4 tỷ USD) vào ngân sách.
Nguồn Zingnew
Địa chỉ: A75/24 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
Email: truyenhinhvietnam.vn@gmail.com
Hotline: 0904 333 202
ĐƠN VỊ VẬN HÀNH
Cty CP Công nghệ Truyền hình Việt Nam trực tuyến TVO
Giấy phép đơn vị số: 0316377612 - Sở KH&ĐT TP.HCM cấp ngày 22/10/2021 và hoạt động theo Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.
Hoạt động theo chuyên đề của TVO 24H - Giấy phép số 66/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hồ Chí Minh cấp.